GS.TS Nguyễn Bá Đức

Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam

Nguyên Giám đốc Bệnh viện K

  • Khái niệm
  • Các yếu tố nguy cơ
  • Biện pháp phòng ngừa
  • Chẩn đoán: Triệu chứng, xét nghiệm
  • Điều trị
  • Theo dõi
  • Tiên lượng

 

Mục lục bài viết

Khái niệm về ung thư tuyến giáp

  • Ung thư tuyến giáp là UT khởi phát ở tuyến giáp trạng.
  • Có 2 loại UT tuyến giáp hay gặp là UT biểu mô thể nhú và UT biểu mô thể nang.
  • Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại UT. Tỉ lệ này cao hơn ở những nước có bệnh bướu cổ lưu hành địa phương. Ở Việt Nam, theo ghi nhận của Hội Ung thư Hà Nội. UT tuyến giáp đứng thứ 6 trong số 10 loại UT hay gặp nhất.

 

Tìm hiểu về tuyến giáp và tuyến cận giáp

Các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Các yếu tố nguy cơ

Một vài yếu tố nguy cơ có liên quan đến mắc bệnh UT tuyến giáp:

Tuổi và giới

Phụ nữ bị UT tuyến giáp nhiều gấp 3 lần nam giới.

Ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng phụ nữ hay mắc bệnh ở tuổi từ 45 đến 49, nam giới từ 65 đến 69 tuổi.

– Phụ nữ bị ung thư tuyến giáp nhiều gấp 3 lần nam giới.

– Độ tuổi hay mắc ung thư tuyến giáp:

+ Phụ nữ: 45 – 49 tuổi.

+ Nam giới: 65 – 69 tuổi.

Khối u chuyển động khi nuốt có thể là dấu hiệu ung thư tuyến giáp

Chế độ ăn thiếu iốt

Ung thư tuyến giáp thể nang thường gặp ở những nơi người dân ăn thiếu iốt. UT tuyến giáp thể nhú ở những người tiếp xúc với hoạt chất phóng xạ.

Tiếp xúc với tia bức xạ

Nguồn xạ có thể do điều trị y tế hoặc bức xạ bị rò rỉ từ các sự cố của nhà máy nguyên tử hoặc vũ khí hạt nhân.

Xạ trị ở vùng đầu cổ khi còn nhỏ. Nguy cơ mắc UT càng cao khi liều xạ càng lớn và xạ trị khi tuổi càng nhỏ.

Yếu tố di truyền

Một số UT tuyến giáp có liên quan đến di truyền.          

Biện pháp phòng

– Sử dụng iốt có thể giảm được tỉ lệ mắc UT tuyến giáp thể nang.

– Tránh tia xạ vùng tuyến giáp ở trẻ nhỏ cũng như tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn xạ như: bom nguyên tử, các chất phóng xạ…

 Chuẩn đoán ung thư tuyến giáp

Triệu chứng

– Hỏi về các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng, tiền sử gia đình xem có ai mắc bệnh UT tuyến giáp hoặc có các khối u ở thận không và các vấn đề về sức khỏe khác.

– Thăm khám kỹ lưỡng khối u, hạch vùng cổ.

Xét nghiệm:

Các xét nghiệm bao gồm:

– Chọc hút tế bào vào khối u hoặc hạch.

– Sinh thiết kim tại khối u tuyến giáp: cho kết quả chính xác đến 90%.

– Sinh thiết lạnh (còn gọi là sinh thiết tức thì) được tiến hành ngay trong lúc mổ có thể xác định khối u tuyến giáp được lấy ra là lành tính hay ác tính. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách thức phẫu thuật thích hợp.

– Chụp X-quang thường, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để đánh giá vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn, chèn ép của khối u vào các bộ phận xung quanh như: khí quản, thực quản…

– Chụp xạ hình tuyến giáp: phần lớn UT tuyến giáp không bắt iốt phóng xạ và biểu hiện bằng hình ảnh “nhân lạnh”.

– Chụp xạ hình toàn thân có thể phát hiện những ổ di căn xa, đặc biệt là di căn xương.

– Siêu âm tuyến giáp để phân biệt u đặc hay u nang.

– Xét nghiệm máu: định lượng calcitonin để phát hiện UT tuyến giáp thể tủy; định lượng thyroglobulin để phát hiện UT tuyến giáp biệt hóa.

 

Triệu chứng đau ở vùng cổ do ung thư tuyến giáp gây nên

Cách thức xử lý phát hiện ung thư tuyến giáp

ĐIỀU TRỊ

Phẫu thuật có vai trò quyết định trong khi tia xạ (điều trị bằng iốt 131) có tác dụng bổ trợ và hóa chất có tác dụng rất hạn chế.

Tùy theo từng loại giải phẫu bệnh của UT tuyến giáp mà có các phương pháp điều trị thích hợp:

– UT tuyến giáp thể biệt hóa: điều trị bằng phẫu thuật cắt một thùy tuyến giáp hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp. Trong trường hợp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, cần điều trị bổ trợ bằng uống xạ iốt 131 (xạ trong). Nếu chỉ phẫu thuật cắt thùy thì không cần phải điều trị thêm.

– UT tuyến giáp thể không biệt hóa: thường điều trị bằng xạ ngoài, có thể phối hợp với hóa chất.

Giải phẩu học ung thư tuyến giáp

THEO DÕI

Thông thường 3 tháng khám một lần trong năm đầu, 6 tháng khám một lần trong năm thứ hai và từ năm thứ ba trở đi thì chỉ cần khám mỗi năm một lần.

Trong trường hợp cắt tuyến giáp toàn bộ, cần phải uống hoóc môn tuyến giáp thay thế suốt đời theo đơn thuốc của bác sĩ.

 TIÊN LƯỢNG

Ung thư tuyến giáp là một trong những loại UT có tiên lượng tốt nhất (UT biểu mô loại biệt hóa) vì tiến triển chậm. Tỉ  lệ sống thêm sau 10 năm từ 80 đến 90%. Thậm chí, khi đã có di căn hạch cổ hoặc di căn xa vẫn còn khả năng cứu chữa.

Tuy nhiên, đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thì tỉ lệ sống thêm sau 5 năm dưới 50%. Rất may là loại ung thư này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số các loại ung thư tuyến giáp.

 

Đánh giá post này